Cách Làm

Bánh Tét, Bánh Chưng: Bắt Lỗi Những Sai Lầm Dễ Mắc Phải Khiến Bánh Bị Sống

4313

Bánh chưng, bánh tét từ lâu đã là món ăn truyền thống không thể thiếu trong mỗi dịp tết cổ truyền của người Việt. Món ăn này không chỉ mang ý nghĩa ẩm thực mà còn chứa đựng giá trị tinh thần rất lớn lao, là đại diện cho những phong tục thờ cúng ông bà, tổ tiên, cảm tạ trời đất từ xa xưa.

Dọc theo chiều dài đất nước, nền ẩm thực mỗi nơi đều có ít nhiều thay đổi, và mặc dù hình dáng, tên gọi khác nhau (ở miền Bắc thì là bánh chưng, miền Nam là bánh tét) nhưng cứ đến độ 30 tết thì không nhà nào là không có thứ bánh này bày trên mâm cúng.

Loại bánh này tuy rất phổ biến, nhìn vào tương đối đơn giản, song muốn cho ra lò một mẻ thành phẩm ưng ý, bánh mềm, đầy đặn, không sống, không nát, màu sắc tươi tắn,… thì lại là một điều không hề đơn giản.

Vậy nguyên nhân khiến bánh chưng, bánh tét dễ bị lỗi là vì đâu?

Gói bánh quá chặt hoặc quá lỏng tay

Thông thường, các loại bánh như bánh chưng, bánh tét thường được bọc trong nhiều lớp lá, dùng lạt buộc kĩ lại rồi đem luộc. Tuy nhiên, việc buộc bánh quá chặt, hoặc quá lỏng đều rất dễ khiến chiếc bánh bị hư, cho ra thành phẩm không ưng ý.

Bánh chưng bánh tét cho ngày tết thêm trọn vẹn

Gói bánh quá chặt

Việc gói quá chặt sẽ làm cho lớp gạo nếp và nhân bên trong cũng bị ép chặt. Thứ nhất, trong quá trình luộc nếu hạt nếp nở bung ra thì lớp vỏ bánh sẽ bị rách, làm đổ bánh ra bên ngoài, bánh dĩ nhiên cũng bị hỏng, trường hợp này khó có thể “vớt vác” được.

Thứ hai, trong quá trình luộc nếu do ép chặt quá làm hạt nếp không nở được thì bánh tét sẽ bị “sống”, ngay cả lớp nhân ở trong cũng không hấp thụ đủ nhiệt, khó chín. Khi đó bánh chỉ chín một lớp nếp mỏng phía mặt ngoài, còn phía trong thì cứng, gần như không dùng được.

Trường hợp này nếu phát hiện sớm bạn có thể lấy hết bánh ra, tháo lạt và buộc lại từ đầu cho bánh được mềm hơn rồi luộc lại. Bánh thành phẩm tuy sẽ không ngon như mong đợi nhưng vẫn có thể ở mức chấp nhận được.

Gói bánh quá lỏng

Cũng là một sai lầm khiến mẻ bánh chưng, bánh tét giảm đi hương vị. Việc gói bánh quá lỏng tay dễ khiến bánh bị ngấm nước.

Bánh tét được buộc vừa phải

Việc bị nước ngấm vào làm cho bánh vừa không trọn vẹn hương vị (bị nhạt, không mặn mà) vừa dễ bị ẩm mốc sau này, thời gian bảo quản bánh không lâu, đồng thời bánh cũng không vuông vức, chắc tay như bánh được buộc đúng cách.

Không chú trọng vào lá gói

Nhiều người cho rằng phần quan trọng nhất trong một chiếc bánh là phần nhân, phần nếp, đó mới là yếu tố quyết định hương vị bánh. Điều này đúng, nhưng chưa đủ. Lớp lá gói bánh cũng giữ một phần rất quan trọng cho chiếc bánh của dịp tết cổ truyền này.

Bánh chưng vuông thì gói bằng lá dong

Đây là một loại lá đặc trưng của miền Bắc. Loại lá này khi gói phải được rửa sạch, kĩ, ngâm qua với nước cho mềm, tước bớt sống lá giúp lá khi gói dễ gập hơn, không bị cứng, gãy.

Cách gói bánh chưng, bánh tét truyền thống

Bánh tét hình trụ, dài thì gói bằng lá chuối

Loại lá này trước khi gói phải được rửa sạch, phơi cho hơi héo một tí để lúc gói là không giòn, rách làm ảnh hưởng đến ruột bánh cũng như gây mất thẩm mỹ.

Khi gói bánh, các bạn lưu ý xếp lớp lá vừa phải. Xếp mỏng quá thường không cố định được hình dáng bánh hoặc thậm chí bánh trong quá trình nấu nở ra sẽ làm bung vỏ, tràn nếp ra ngoài.

Vỏ bánh quá dày đôi khi làm ảnh hưởng tới thời gian nấu, làm bánh lâu chín. Vì thế với một chiếc bánh có kích cỡ trung bình của ngày tết cổ truyền bạn nên dùng khoảng 4 lá, hai lá dọc hai lá ngang là vừa đủ.

Lửa và nước không phù hợp

Bí quyết để bánh tét, bánh chưng nở đều, thơm ngon trong ngày tết nguyên đán đó là mức nước và lửa vừa phải.

Một sai lầm mà nhiều người hay mắc phải khi luộc bánh là để lửa tùy ý, khiến nước luộc lúc nóng lúc lạnh. Trong suốt 10-12 tiếng đồng hồ nấu bánh nếu nhiệt độ không ổn định thì bánh sẽ chín không đều, dễ bị lỗi.

Thông thường vào mỗi dịp tết nguyên đán người ta thường nấu bánh vào 29, 30 tết. Đây cũng là thời điểm tất bật dọn dẹp nhà cửa trước thềm năm mới nên khá bận rộn, không thể ngồi liên tục canh bếp lửa.

Bánh tét nấu dưới nhiệt độ lửa thích hợp

Thêm vào đó, việc quên, để nước cạn cũng là một nguyên nhân thường thấy khiến nồi bánh chưng dễ bị hư, cháy bánh.

Vậy nên, khi luộc bánh tét, bánh chưng nhất định phải giữ nhiệt độ lửa ổn định, không quá lớn cũng không quá nhỏ. Nước luộc bánh phải ngập hếp mặt bánh, tránh tình trạng bánh sống. Khi thêm nước vào nồi thì nước phải là nước sôi, không cho nước lạnh. Nước lạnh dễ gây thay đổi nhiệt độ trong nồi, bánh sẽ chín không đều.

Ngoài ra, những người nấu bánh cho dịp tết nguyên đán lâu năm cho biết, trong quá trình luộc bánh, khi được một nửa thời gian ( 5-6 tiếng) nên lấy bánh ra, rửa qua với nước lạnh một lần, sau đó thay toàn bộ nước mới trong nồi, đổ nước cũ đi.

Cách làm trên giúp bánh xanh, rền và ngon hơn hẳn, song lại không có nhiều người biết về bí quyết đặc biệt này.

Bánh nhợt nhạt do thiếu màu sắc

Để có một chiếc bánh ngon bày lên bàn thờ tổ tiên vào dịp tết âm lịch này ngoài việc bánh ngon, chắc tay thì màu sắc bắt mắt là một yếu tố rất quan trọng.

Một lỗi dễ mắc phải khi làm bánh tét, bánh chưng đó là quên mất ngâm nếp với nước màu để hạt nếp sau khi luộc được xanh mướt và thơm ngon.

Nước màu ở đây không phải chỉ phẩm màu công nghiệp mà là nước cốt từ các loại lá có màu xanh, được dùng để tạo màu cho bánh thêm phần bắt mắt. Hai loại lá phổ biến nhất thường được dùng trong dịp tết âm lịch là lá nếp hoặc lá riềng.

Đối với lá nếp, bạn xay nhỏ lá với nước, vắt lấy phần nước cốt màu xanh và đem ngâm với nếp trong 10 tiếng.

Còn nếu dùng lá riềng thì chỉ cần trộn nếp với nước cốt ngay trước khi gói bánh là được. cả hai loại nước cốt đều giúp bánh có màu xanh đặc trưng rất đẹp mắt, đã vậy lại còn thoang thoảng mùi thơm đặc trưng, cho ngày tết âm lịch thêm trọn vẹn.

Nếp ngâm với gấc cho ra màu đỏ lạ mắt

Ở một số nơi người ta còn dùng gấc để bánh có màu đỏ lạ mắt, lưu ý gấc khi muốn dùng để ủ nếp thì nên trộn với rượu trắng, có như vậy thì màu sắc mới tươi tắn, nếu không sẽ nhợt nhạt, không hài hòa.

Không ép bánh tét, bánh chưng

Bánh sau khi nấu sẽ còn tồn đọng một lượng nước khá lớn ngấm vào trong quá trình luộc. Nếu không loại bỏ bớt nước này ra khỏi bánh thì bánh sau khi nguội hay bị mềm, nhão, đặc biệt là nhanh hư, không giữ được đến hết tết nguyên đán.

Nhiều người, đặc biệt là người trẻ khi làm bánh thường không biết đến bước này mặc dù nó rất đơn giản. Bạn chỉ cần lấy bánh ra từ nồi, lau khô, xếp chồng lên nhau rồi dùng tấm ván gỗ và vật nặng đè lên, để khoảng 3-4 tiếng.

Việc làm này giúp lượng nước thừa ở vỏ bánh từ từ rỉ ra, tạo độ cứng cho bánh. Sau thời gian 3-4 tiếng, bạn chỉ cần lấy bánh ra, lau lại một lần nữa rồi bảo quản ở nơi thoáng mát là đã có một mẻ thành phẩm tuyệt vời cho mùa tết năm nay rồi.

Trên đây là một số sai lầm hay mắc phải khi nấu bánh chưng, bánh tét cho dịp tết cổ truyền mỗi năm. Các bạn hãy tham khảo để rút ra bài học, tránh mắc phải để cả nhà có một mẻ bánh thơm ngon, chuẩn vị nhé.

3.5 ( 2 bình chọn )

Sống Sạch Food

https://songsachfood.com
Sống Sạch Food chuyên cung cấp Dầu ăn dặm, Nước mắm cao cấp cho bé Dầu thực vật Extra Virgin và mật ong rừng nguyên chất với số lượng lớn, kênh MT, GT

Ý kiến bạn đọc (0)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết liên quan

Bài viết mới

Xem thêm